30 năm trước…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên vùng đất Mộ Đức anh hùng, trường THPT Nam Đàn hoạt động trở lại để giải quyết nhu cầu học tập của con em trong toàn huyện. Chính trị - xã hội ổn định, là lúc học sinh dần tăng đến mức quá tải. Trước tình hình đó, năm 1979, thầy hiệu trưởng Trần Phổ Thi và UBND huyện Mộ Đức đề nghị và được UBND tỉnh Nghĩa Bình đồng ý tách trường cấp 3 Nam Đàn thành hai trường khác nhau ở hai đầu của huyện. Trường PTTH số 1 Mộ Đức dành cho học sinh 6 xã phía Nam; trường PTTH số 2 Mộ Đức dành cho học sinh 7 xã phía Bắc. Nói là chia đôi, nhưng thực tế, số học sinh vào học tại trường PTTH Số 2 Mộ Đức lại đông hơn nhiều.
Khởi đầu của một mái trường
Ngày 22 tháng 6 năm 1982, đó là thời điểm không thể nào quên khi UBND huyện Mộ Đức cùng thầy hiệu trưởng Phạm Quang Nghĩa thay mặt cho hội đồng sư phạm bổ những nhát cuốc đầu tiên để động thổ xây dựng trường. Kể từ thời khắc đó, công trường rộn rã suốt ngày đêm. Hàng tấn vật liệu xây dựng như gạch, ngói, đá ong đã được huy động từ sự đóng góp của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Chưa hết, gỗ và cả tiền công xây dựng cũng được trích từ nguồn thóc lúa do các địa phương đóng góp. Ban quản lý dự án được cơ cấu tinh gọn nhưng hoạt đông hiệu quả dưới sự chỉ huy năng động, sáng tạo của thầy Phạm Quang Nghĩa. Và chưa đầy 3 tháng, hầu hết các hạng mục cơ bản như cổng trường và 10 phòng học đã hoàn thành. Quả là một kỳ tích!
Khai giảng của năm học đầu tiên diễn ra đúng ngày 5 tháng 9 năm 1982. Lúc bấy giờ, tổng số cán bộ - viên chức của nhà trường là 20, trong đó có 13 người được điều động từ trường Nam Đàn và thêm 7 giáo viên mới ra trường từ đại học Sư phạm Quy Nhơn khóa I và một số giáo viên chuyển từ nơi khác về. Tổng số học sinh là 400, chia làm 9 lớp, trong đó khối 10 có 5 lớp; khối 11 có 3 lớp và khối 12 có 1 lớp. Tài sản từ trường Nam Đàn mang ra chỉ vỏn vẹn vài thùng sách giáo khoa và 4 chiếc máy khâu cũ kỹ. Thầy và trò bắt đầu từ đây.
Từ khóa đầu tiên cho đến 5 khóa tiếp theo, sĩ số của giáo viên và học sinh ngày càng tăng, nhưng gian truân thì vẫn vậy. Cuộc sống của các thầy cô giáo quá khó khăn, thiếu thốn, cảnh quan còn trơ trọi. Vì vậy, công tác lao động đã được động viên mạnh mẽ. Thầy giáo cùng học sinh đã trồng hàng vạn cây bạch đàn trong vườn trường, chở gạch đá, đào móng xây dựng trường, đào ao cá, lao động giúp dân. Ngày qua ngày, đời sống cũng dần khấm khá, nhất là từ khi thầy hiệu trưởng Lê Văn Vĩnh có chủ trương cấp đất cho 30 giáo viên ra làm nhà riêng ở hai bên trường; thầy cô đã yên tâm công tác, và học sinh có thêm động lực để vươn lên trong học tập và rèn luyện tốt, xứng đáng với kỳ vọng của nhà trường và các bậc phụ huynh.
Ổn định nền móng ( 1988 – 1992 )
Nhiệm vụ trọng tâm mà Ban giám hiệu và tập thể giáo viên xác định trong giai đoạn này là: tổ chức thật tốt công tác dạy – học. Nâng hiệu quả giáo dục lên một tầm cao mới, khẳng định được vị trí của mình ngang tầm với các trường PTTH đàn anh trong tỉnh.
Đầu năm học 1987-1988, thầy Phạm Quang Nghĩa về hưu; thầy Lê Văn Vĩnh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Các thầy cô: Trần Trọng Hưng, Nguyễn Nam Bình, Võ Thị Liên, Phan Hồng Hoa lần lượt được bổ nhiệm phó hiệu trưởng. Kế thừa những gì đã có, Ban giám hiệu mới tiếp tục củng cố công tác dạy – học, xây dựng các công trình thiết yếu như: thư viện, phòng bộ môn, hội trường… Bước đầu quy hoạch, cải tạo cảnh quan trong trường. Tổ chức lao động chở đá làm bờ kè Đức Thắng, vét cát ở kênh Tứ Đức, giúp chính quyền huyện giải quyết kịp thời mùa vụ đồng thời cũng góp phần tăng thu nhập cho nhà trường. Ngoài ra, thầy và trò còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động lao động như: gặt lúa giúp dân, lao động công ích…
Bên cạnh việc học tập, lao động, tập thể sư phạm nhà trường luôn chú trọng đến các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Dịp sinh nhật Đoàn hằng năm, thầy trò thường tổ chức cắm trại ở các bãi biển Dương Quang, Đức Minh; công diễn văn nghệ trên khắp các xã: Đức Lợi, Đức Thắng, Thi Phổ, sân bãi Sông Vệ… Chương trình văn nghệ thường rất phong phú, hấp dẫn. Mỗi đợt công diễn phải mất 2 đêm mới hết chương trình. Khán giả đông tới mức có đêm thầy hiệu trưởng Lê Văn Vĩnh không chen chân nổi vào khán đài để khai mạc.
Cùng với đó, các hoạt động thể dục thể thao cũng vô cùng sôi nổi. Ngoài giờ lên lớp, các thầy giáo đặc biệt ham thích môn bóng chuyền, thậm chí giữa trưa tròn bóng, chiều muộn chơi đến khi không còn nhìn thấy trái bóng nữa. Đội thua phải mời đội thắng một chầu nước chanh. Chỉ đơn sơ như vậy nhưng chẳng niềm vui nào bằng.
Đời sống của thầy trò còn nhiều khó khăn, điều kiện dạy và học còn chưa đảm bảo nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao, điều đó thể hiện qua tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm ngày càng cao. Trường PTTH Số 2 Mộ Đức đã dần khẳng định được mình.
Tăng tốc toàn diện (1993 – 2005)
Từ năm học 1992 – 1993, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Vĩnh nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi; và thầy Nguyễn Nam Bình được bổ nhiệm hiệu trưởng. Ban giám hiệu được bổ sung thêm 2 phó hiệu trưởng: thầy Ngô Anh Hải và thầy Lương Văn Việt. Đến năm 1996, thầy Việt chuyển công tác nên ban giám hiệu chỉ còn lại 2 người. Phải đến 2 năm sau, Sở GD&ĐT mới bổ nhiệm thầy Huỳnh Văn Trình làm phó hiệu trưởng. Nhưng thật nghiệt ngã, chỉ sau có 4 năm, tháng 11 năm 2002, thầy Huỳnh Văn Trình đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Năm 2005, thầy Bùi Ngọc Hiếu và Nguyễn Văn Được lên làm hiệu phó. Ba năm sau, một sự mất mát nữa lại đến với trường – thầy Hiếu qua đời.
Trong giai đoạn này, tiếp nối thế mạnh về thành tích dạy và học trước đó, trường tiếp tục phát triển không ngừng, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lẫn chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh giỏi và học sinh trúng tuyển hằng năm vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao. Phong trào thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh rất sôi nổi.
Diện mạo của trường càng ngày càng khang trang. Các dãy phòng học cao tầng đã thay thế dần cho các dãy phòng học cấp 4 được xây dựng từ thuở ban đầu, phòng họp, phòng máy vi tính được xây dựng, trang bị và đưa vào sử dụng đã tạo ra một bước đột phá về áp dụng và phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong trường. Ở thời điểm đó, có lẽ đây là một trong số ít phòng máy vi tính đầu tiên của ngành giáo dục tỉnh nhà. Số học sinh, cán bộ - viên chức quanh vùng tấp nập đến tham gia học để tiếp cận với công nghệ mới. Các phòng thực hành, thí nghiệm lần lượt ra đời. Đáng chú ý có phòng LAB để dạy ngoại ngữ khá hiện đại tạo ra sự hào hứng trong việc dạy và học.
Đầu năm 2000 liên tịch nhà trường đã có nghị quyết chuẩn bị mọi mặt để xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình 5 năm. Không khí làm việc trong thời gian đó thật sôi nổi, đầy quyết tâm, và rồi cũng đến lúc được đền đáp. Cuối năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công nhận Trường THPT số 2 Mộ Đức là trường chuẩn quốc gia (là một trong 4 trường chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh sau các trường THPT chuyên Lê Khiết, THPT Trần Quốc Tuấn và THPT Số 1 Sơn Tịnh). Một mốc son đánh giá chất lượng toàn diện của trường, làm nức lòng thầy trò và nhân dân địa phương.
Khẳng định chính mình ( 2006 – 2012 )
Năm 2009, ban giám hiệu được củng cố một lần nữa. Cô Đỗ Thị Minh Nguyệt và thầy Ngô Tấn Thành được bổ nhiệm phó hiệu trưởng. Bộ máy tổ chức đã kiện toàn, đội ngũ cán bộ - giáo viên - nhân viên ổn định. Quy mô và chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp tỉnh ngày càng nhiều. Học sinh giỏi các cấp cũng tăng theo. Phong trào dạy tốt, học tốt không ngừng phát triển. Từ 1.691 học sinh chia làm 35 lớp năm học 2000 – 2001 đã tăng lên 1.823 học sinh chia làm 40 lớp năm học 2005 – 2006. Đến bây giờ tổng số học sinh và số lớp tương đối ổn định. Số cán bộ - viên chức hiện nay gần 100 người. Quan trọng nhất là tỉ lệ học sinh hằng năm đậu vào các trường đại học, cao đẳng luôn dao động ở mức khá từ 35% đến 40%. Riêng các lớp chọn có tỷ lệ rất cao từ 80% đến 100%. Trong đó có nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học thuộc tốp đầu của cả nước, nhiều học sinh đạt học bổng du học nước ngoài… Đây là một trong những thành tích nổi bật của trường so với các trường khác trong tỉnh, tạo được niềm tin yêu cho nhân dân, niềm tự hào cho học sinh các thế hệ. Và cũng chính từ mái trường này đã có hơn 10.000 học sinh ra trường đã và đang sinh sống, làm việc khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, có rất nhiều cựu học sinh đã thành đạt trên các lĩnh vực. Đó là điều minh chứng khá sống động cho kết quả dạy học và giáo dục của nhà trường trong 30 năm qua. Dù ở đâu, làm gì các em luôn là những công dân tốt, đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước và luôn hướng về ngôi trường Mộ Đức 2 với những tình cảm nồng ấm, tốt đẹp và rất trân trọng.
Ghi nhận những đóng góp của trường THPT số 2 Mộ Đức trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung, trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào tháng 3 năm 2012.
30 năm để xây dựng phát triển và trưởng thành, trường THPT Số 2 Mộ Đức đã tạo nên một truyền thống vượt khó, một truyền thống hiếu học, một tài sản vô giá để lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục khẳng định mình, nuôi lớn khát vọng cống hiến cho quê hương. Đó cũng là cách để xây dựng niềm tin cho một mái trường, một địa chỉ đỏ về chất lượng giáo dục trên quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hiệu trưởng
Ngô Anh Hải
0 nhận xét | Viết lời bình